Tin hoạt động Trường 18/11/2013 07:48:39

An toàn Thông tin–Vấn đề thời sự toàn cầu được chọn làm chủ đề chính của Hội thảo Quốc gia về CNTT & Truyền thông lần XVI tại ĐH Duy Tân – TP Đà Nẵng

 Lần đầu tiên một Đại học ngoài công lập của Việt Nam - Đại học Duy Tân - đăng cai tổ chức Hội thảo quy mô quôc gia và quốc tế.

(ictdanang) – Hôm nay 14/11, Hội thảo Quốc gia (QG) lần thứ XVI "Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ thông tin (CNTT) và Truyền thông" (16TH NATIONAL CONFERENCE: SELECTED PROBLEMS ABOUT IT AND TELECOMMUNICATION) do Viện CNTT - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam cùng Đại học Duy Tân phối hợp tổ chức đã chính thức khai mạc tại giảng đường cơ sở K7/25 Quang Trung, Đại học Duy Tân,TP.Đà Nẵng.

 

Các Chuyên gia hàng đầu thế giới, các Giảng viên nổi tiếng của lĩnh vực đã có mặt tại Hội thảo.                                                                                       -Ảnh: T.Ngọc

Không thể thiếu để một Thế giới tồn tại trong bền vững !

 GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam.       - Ảnh: T.N.

Chủ đề chính của Hội thảo QG XVI là “An toàn bảo mật thông tin” – cũng là vấn đề thời sự toàn cầu. Và chưa lúc nào, cộng đồng thế giới lại quan tâm đến vấn đề này như hiện nay; nhất là sau những trường hợp nghe lén, rò rỉ thông tin nhạy cảm vừa được phát hiện và công bố. “An toàn bảo mật thông tin” cho chủ quyền và độc lập thật sự của một quốc gia đến An ninh và An toàn thông tin cho một thế giới tồn tại và phát triển bền vững, đó là những vấn đề hết sức quan trọng, không hề kém tầm quan trọng của bất kỳ vấn đề nào mà nhân loại đã và luôn quan tâm đến.

Và hội thảo hôm nay đây của chúng ta, với số lượng báo cáo gửi về, với số lượng đại biểu tham dự, đặc biệt, là đại biểu quốc tế, đã chứng tỏ sự quan tâm của giới học thuật trong nước và quốc tế đối với vấn đề “An toàn bảo mật thông tin” nói riêng, cũng như các vấn đề học thuật CNTT và Truyền thông nói chung- GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam nhấn mạnh.

Đồng tình và chia sẻ với nhìn nhận trên, TS. Phùng Tấn Viết, Phó CT.UBNDTP Đà Nẵng cho biết thêm: Vấn đề An ninh-An toàn và bảo mật thông tin đang được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm. Bộ Thông tin và Truyền thông đang gấp rút hoàn thiện lần cuối dự thảo Luật An toàn thông tin để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua. Đây là sẽ là cơ sở pháp lý cao nhất để thực thi bảo đảm An ninh-An toàn thông tin.

"Đối với TP Đà Nẵng, cùng với việc chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện xây dựng và vận hành mô hình TP Điện tử ; phát triển các ứng dụng của Chính quyền điện tử, triển khai các hệ thống hạ tầng quan trọng như Trung tâm Dữ liệu; Mạng Đô thị, Mạng truy cập không dây … thì An toàn thông tin luôn được đặt ra như một trong những ưu tiên hàng đầu.

Trong khảo sát, đánh giá tình hình ứng dụng, phát triển CNTT và Truyền thông hằng năm ở các đơn vị cơ sở; chúng tôi luôn chú trọng đến tiêu chí đánh giá bảo đảm An toàn-An ninh thông tin. Vấn đề không chỉ là chấm điểm, xếp thứ hạng mà quan trọng hơn tìm cho ra điểm yếu, lổ hổng để tập trung nghiên cứu, khắc phục – TS. Phùng Tấn Viết, Phó CT.UBNDTP Đà Nẵng nhấn mạnh.

 

Tham dự phiên khai mạc hội thảo sáng nay 14/11 có sự hiện diện của Tiến sỹ Phùng Tấn Viết – Phó CT.UBNDTP Đà Nẵng ; ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng ; lãnh đạo các trường Đại học, Cao đẳng chuyên ngành hoặc có đào tạo CNTT ; lãnh đạo Khoa, Trung tâm Phần mềm; đại diện đội ngũ Giảng viên và Sinh viên chuyên ngành Đại học Duy Tân cùng 250 Nhà Khoa học, Nhà Nghiên cứu đến từ các trường Đại học, các Viện, Trung tâm Nghiên cứu chuyên ngành lĩnh vực CNTT và Truyền thông trên cả nước ; các học giả, chuyên gia hàng đầu thế giới.

-Ảnh trên: Tiến sỹ Phùng Tấn Viết – Phó CT.UBNDTP Đà Nẵng phát biểu với Hội thảo

(ảnh: T.Ngọc)

 

Giới học thuật Việt Nam và Quốc tế cùng chia sẻ những quan tâm chung

Chia sẻ sự quan tâm của cộng đồng trước các vấn đề khá nhạy cảm của lĩnh vực An ninh và An toàn thông tin ; cùng một số vấn đề chọn lọc của CNTT & Truyền thông ; các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành trong nước và quốc tế đã có thư đăng ký đóng góp cho Hội thảo gần 130 báo cáo khoa học chuyên đề. Ban Tổ chức đã chọn 80 báo cáo đưa vào các phiên nghị sự chính của Hội thảo, trong đó có 10 báo cáo của các chuyên gia hàng đầu, đến từ các Viện, Trung tâm, Đại học nổi tiếng của các quốc gia có nền khoa học tiên tiến hàng đầu hiện nay (như Hoa Kỳ, Thụy Điển, Nhật Bản) trình bày ở các phiên làm việc toàn thể.

Bài thuyết trình của các diễn giả GS.TSKH Timothy Shimeall (Đại học Carnegie Mellon University, Hoa Kỳ), GS.TSKH Hans - Jurgen Zepernick (Thụy Điển), GS.TSKH Satoshi Nakamura (Nhật Bản), GS.TS Gerhard H.Steinke (Hoa Kỳ), GS.TS Roger L.Cox (Hoa Kỳ) v.v... đã mang đến hội thảo những đánh giá, nhìn nhận ở một góc riêng trước hàng loạt vấn đề thời sự quốc tế thuộc lĩnh vực khoa học điện toán và các lĩnh vực liên quan; có cả những ý tưởng mới, đề xuất mang tính sáng tạo đang được giới học thuật chuyên ngành đặc biệt quan tâm.

Hội thảo QG lần thứ XVI "Một số vấn đề chọn lọc của CNTT và Truyền thông" với chủ đề trọng tâm “An toàn bảo mật thông tin” làm việc liên tục từ ngày 14 đến ngày 15 tháng 11 năm 2013.

 

Giáo sư.Tiến sỹ khoa học máy tính Timothy J. Shimeall – Một trong những người chịu trách nhiệm chính việc giám sát và tham gia phát triển các phương pháp phân tích nhằm đảm bảo độ bền và tính an ninh của các hệ thống kết nối (thuộc Chương trình Tạo độ bền các hệ thống mạng của Carnegie Mellon University - USA).

Ông cũng là giảng viên nổi tiếng về “sự tận tụy, hướng dẫn cho đến cùng” khi cùng các nghiên cứu sinh thực hiện các đề tài hay thiết kế phần mềm phục vụ an ninh thông tin và đặc biệt chiến lược quản lý thông tin.

Timothy J. Shimeall đã giới thiệu nhiều công trình tâm huyết của ông liên quan đến “Độ bền của Hệ thống” như nghiên cứu các lỗi của phần mềm ; phát triển an ninh phần mềm ; phát triển các khung chiến lược để bảo mật thông tin và phát triển các phương pháp đánh giá an ninh phần mềm (phục vụ cho hệ thống quốc phòng).

Trong phiên khai mạc của ngày làm việc đầu tiên, Giáo sư.Tiến sỹ khoa học máy tính Timothy J. Shimeall được chọn là Diễn giả đầu tiên trình bày báo cáo khoa học của mình trong phiên làm việc chung.

-Ảnh: T.Ngọc

 

80 báo cáo chuyên đề của đại diện các cộng đồng nghiên cứu khoa học đã đi sâu vào chủ đề chính “An toàn bảo mật thông tin” cũng như các vấn đề chọn lọc của CNTT và Truyền thông ; thể hiện đa dạng sự phát triển của lĩnh vực Khoa học máy tính và CNTT từ các xu hướng nghiên cứu cơ bản, đến triển khai ứng dụng, đào tạo và quản lý. Các vấn đề được chọn lựa phản ảnh xuyên suốt qua những vấn đề hiện đại của CNTT và Truyền thông bao gồm An toàn Thông tin; Điện toán đám mây; Xử lý ngôn ngữ; Đa phương tiện; Mã nguồn mở; Giáo dục Điện tử; Đào tạo từ xa; đến Các hệ thống thông minh; Các hệ thống nhúng; Các hệ thống tích hợp; Thực tại ảo; Xử lý ảnh và Kỹ thuật video; Các hệ thống hỗ trợ quyết định; Cơ sở toán học của tin học; Công nghệ điện tử và truyền thông; Công nghệ tri thức và tính toán mềm; Công nghệ mạng và mạng không dây; Công nghệ Phầm mềm; CNTT trong Kinh tế-Kỹ thuật; Công nghệ tính toán hiện đại và đặc biệt là lĩnh vực Tin Sinh học…

Góp phần cải thiện hình ảnh nước ta trên bản đồ CNTT & Truyền thông toàn cầu

Được biết, đây là lần thứ XVI, Viện CNTT - Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam mở Hội thảo ở quy mô quốc gia. Và qua 16 kỳ làm việc, Hội thảo đã xứng đáng là một diễn đàn thường niên để những người làm công tác nghiên cứu, triển khai, giảng dạy và quản lý trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông trao đổi học thuật, chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng và tìm kiếm sự hợp tác. Đặc biệt hội thảo khuyến khích các nhà khoa học trẻ, nghiên cứu sinh, học viên cao học tham gia trình bày, trao đổi kết quả nghiên cứu và học tập của mình.

Hội thảo quốc gia “Những vấn đề chọn lọc của CNTT và Truyền thông” cũng là dịp thắt chặt hơn mối quan hệ hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhà quản lý, giữa các trường đại học và các cơ quan nghiên cứu, quản lý trong cả nước và thúc đẩy hợp tác quốc tế để cùng nhau phát triển trong lĩnh vực CNTT và Truyền thông ; thực hiện thành công đề án đã được Chính phủ phê duyệt “Sớm đưa nước ta, về cơ bản, trở thành nước mạnh CNTT và Truyền thông”.

 

Toàn cảnh phiên khai mạc với phát biểu của Đồng Trưởng BTC, NGƯT Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân.                                                           -Ảnh: T.Ngọc.

 

Được biết, ngày 22/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1755/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông” và đây cũng là nhiệm vụ trung tâm của nước ta từ nay đến năm 2020. Đề án cũng xác định Tốc độ tăng trưởng doanh thu hàng năm của CNTT và Truyền thông đạt từ 2-3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trở lên. Đến năm 2020, tỷ trọng CNTT và Truyền thông đóng góp vào GDP đạt từ 8-10%. Cộng đồng khoa học công nghệ quốc tế xem đây là động thái tích cực và quyết liệt Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam trong việc đưa ngành CNTT và Truyền thông quốc gia sánh ngang tầm khu vực và thế giới.

Chính phủ Việt Nam luôn luôn xem CNTT và Truyền thông là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong các quyết sách về phát triển Khoa học – Công nghệ quốc gia. Ngay ở Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, CNTT được xác định là 1 trong 4 lĩnh vực ưu tiên (3 lĩnh vực còn lại là Công nghệ Vũ trụ - Tự động hóa và Điện tử) - GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam khẳng định lại một lần nữa.

Đối với Đại học Duy Tân chúng tôi, ngay từ khi thành lập, CNTT và Truyền thông đã được xác định là điều kiện hạ tầng tối cần thiết ; là phương pháp đào tạo hiện đại ; đồng thời cũng là một lĩnh vực khoa học sẽ chiếm giữ vị trí quan trọng then chốt trong tương lai. Chúng tôi đã vừa tranh thủ các nguồn lực ngay từ trong nước , vừa tự mày mò học tập kinh nghiệm ứng dụng CNTT vào đào tạo, vào quản lý ; vừa hợp tác quốc tế trên cơ sở chọn lọc những tinh hoa của việc đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Đại học Duy Tân đã hợp tác và tiếp nhận Chương trình đào tạo tiên tiến từ Carnegie Mellon University để giảng dạy cho SV của Trường.

Các em SV theo học hệ đào tạo này đang trở thành nguồn lực mà các doanh nghiệp, các tổ chức mong đợi tiếp nhận. Không chỉ ra trường là có ngay việc làm ; có em đang trong giai đoạn hoàn tất các yêu cầu bắt buộc của quy trình để được công nhận tốt nghiệp, cấp Chứng chỉ giá trị quốc tế; vẫn được các doanh nghiệp, các tổ chức ngõ lời sẵn sàng mời về làm việc ngay. Và trong định hướng phát triển, Đại học Duy Tân đã xác định rõ lộ trình phấn đấu, phấn đấu cho bằng được để trở thành Đại học điện tử đầu tiên tại khu vực “ – NGƯT Lê Công Cơ, Hiệu trưởng Đại học Duy Tân, đồng Trưởng Ban Tổ chức đã chia sẻ quan điểm của ông và Nhà trường về vai trò của CNTT trong thời đại hội nhập hiện nay.

T.Ngọc thực hiện

» Tin mới nhất:

» Tin khác: